Vừa qua, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có Quyết định công nhận Làng nghề bánh bèo, nậm, lọc Đức Bưu là Làng nghề truyền thống của tỉnh. Đây là điều rất đáng tự hào không chỉ của các hộ dân làm bánh tại Đức Bưu mà còn tạo nên một thương hiệu làng nghề mới, giúp du khách gần xa dễ dàng trải nghiệm, thưởng thức bánh bèo, nậm, lọc nổi tiếng của Cố đô.
Để hiểu thêm về hương vị và cách làm các loại bánh này, chúng tôi tìm đến cơ sở sản xuất của bà Hà Thị Thảo (làng Đức Bưu, Hương Sơ, TP Huế). Tính đến nay, bà Thảo đã hơn 30 năm theo nghề làm bánh. Theo bà Thảo, sản phẩm được tạo bằng phương pháp thủ công cho nên người thợ đóng vai trò quan trọng trong việc lựa chọn chất liệu cho đến xử lý chế biến đến khi thành phẩm ra một sản phẩm hoàn chỉnh đối với nghề thủ công truyền thống nói chung. Người thợ cần rất nhiều kỹ năng và kiến thức đối với bánh và các nguyên liệu tạo ra chiếc bánh. Nguyên liệu phải được chọn và nguyên liệu tươi ngon. Với một sản phẩm làm ra nó chứa đựng một phần tình cảm tâm tư của người làm, từ những vật liệu đơn giản có thể tạo ra một sản phẩm mang một nét riêng không nơi nào có được. Cho đến bây giờ các thức bánh trở thành một loại đặc sản của vùng Cố đô nói chung và Hương Sơ nói riêng.
Khi biết làng nghề bánh bèo, nậm, lọc Đức Bưu được công nhận là Làng nghề truyền thống tỉnh Thừa Thiên Huế, bà Hà Thị Thảo vui mừng bày tỏ: “Điều này giúp làng Đức Bưu có thương hiệu trên thị trường, được mọi người công nhận và qua đó nâng cao hơn nữa sản phẩm bánh, cải tiến mẫu mã để mọi du khách gần xa được biết rõ hơn về làng nghề. Tôi cảm ơn chính quyền các cấp đã quan tâm, giúp đỡ cho các cơ sở, hình thành làng nghề để lưu giữ món ăn đặc sản của Huế.”
Một điều đặc biệt là hiện nay, các loại bánh ở cơ sở sản xuất của bà Thảo được sử dụng túi hút chân không để tiện vận chuyển và giữ được chất lượng bánh. “Túi hút chân không rất tiện lợi khi bánh khách đặt ở xa vẫn được đảm bảo vị ngon, để được lâu. Thêm nữa cách làm này thể hiện sự chuyên nghiệp của chúng tôi và giúp du khách được ăn những món bánh đúng chất lượng”, anh Đinh Văn Tuấn (con trai bà Thảo) chia sẻ.
Dưới đây là một số hình ảnh chúng tôi ghi lại công đoạn những chiếc bánh đặc sản được sản xuất:
Lá chuối được thu mua, chải sạch bằng nước
Sau khi hong ráo nước, lá chuối được cắt thành hình chữ nhật để gói
Một nhóm những người thợ sơ chế tôm
Mùi tôm và thịt lợn rim thơm phức…
…nhân bánh lọc dần hình thành
Những người thợ tất bật với công đoạn gói bánh
Một chiếc bánh nậm được gói khéo là bột phải dàn đều trên lá…
… tôm chấy được phết mỏng, nằm gọn trong phần bột trắng
Đôi bàn tay thoăn thắt gói để kịp giao bánh
Tôm lột vỏ, băm nhỏ xào mặn ngọt tạo thành nhân bánh nậm
Bà Hà Thị Thảo (làng Đức Bưu, TP Huế) gắn bó với nghề đã được hơn 30 năm
Bánh sau khi gói xong được bọc trong túi hút chân không, dễ dàng vận chuyển đi các tỉnh thành khác mà vẫn đảm bảo chất lượng bánh
Bánh nậm thường được ăn kèm với nước mắm chua ngọt thật cay

Tôm thịt lộ rõ trong từng chiếc bánh lọc sau khi hấp chín
Khay bánh bèo, nậm, lọc được sắp xếp đẹp mắt bên cạnh bánh ướt cuốn thịt heo, ram ít
Xuân Đạt |